Trong thế giới làm đẹp, mỹ phẩm high end không chỉ là sản phẩm chăm sóc da, đó là tuyên ngôn về đẳng cấp, gu thẩm mỹ và trải nghiệm cá nhân. Khi nhu cầu làm đẹp ngày càng được cá nhân hóa và nâng tầm, những thương hiệu cao cấp đang trở thành lựa chọn ưu tiên của các tín đồ sành điệu. Vậy điều gì khiến mỹ phẩm high end vượt trội và chiếm lĩnh thị trường xa xỉ toàn cầu đến vậy? Hãy cùng Beauty Summit tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mỹ phẩm high end là gì?
Nếu là một tín đồ làm đẹp đích thực, hẳn cụm từ “mỹ phẩm high end” không còn xa lạ. Đây là thuật ngữ dùng để chỉ những dòng mỹ phẩm cao cấp đến từ các thương hiệu danh tiếng toàn cầu như Chanel, Dior, SK-II, Estée Lauder hay Clé de Peau Beauté,…
Vậy cụ thể mỹ phẩm high end là gì?

Mỹ phẩm highend hay mỹ phẩm xa xỉ là dòng sản phẩm được định vị ở phân khúc cao cấp nhất trên thị trường. Những sản phẩm này sở hữu công thức được nghiên cứu kỹ lưỡng, thành phần quý giá như trứng cá tầm, peptide độc quyền… cùng công nghệ sản xuất hiện đại. Nhờ đó, hiệu quả chăm sóc da mà mỹ phẩm cao cấp mang lại thường rõ rệt và bền vững hơn so với dòng bình dân.
Không chỉ dừng ở chất lượng, thiết kế bao bì cũng là một yếu tố làm nên sự khác biệt. Hầu hết các sản phẩm mỹ phẩm high end đều sở hữu vẻ ngoài tinh xảo, sang trọng, như một món phụ kiện thời trang. Chúng hướng đến nhóm khách hàng sành điệu, có thu nhập cao và yêu cầu khắt khe về trải nghiệm sản phẩm.
Sử dụng mỹ phẩm cao cấp không đơn thuần là làm đẹp, đó còn là cách thể hiện gu thẩm mỹ, đẳng cấp và sự tự tin của người dùng trong thời đại mà xu hướng mỹ phẩm đang ngày càng gắn liền với phong cách sống.
Xu hướng mỹ phẩm cao cấp vượt trội so với thời trang xa xỉ
Trong vài năm trở lại đây, thị trường làm đẹp toàn cầu chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của mỹ phẩm cao cấp, vượt xa cả tốc độ tăng trưởng của ngành thời trang xa xỉ – lĩnh vực vốn luôn dẫn đầu về sức hút với giới thượng lưu.
Theo thống kê, trong năm 2024, các thương hiệu đình đám như Prada Beauty, Hermès Beauty hay Givenchy đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng từ 16% đến 24% tại ba chuỗi bách hóa lớn nhất Hàn Quốc (Lotte, Shinsegae, Hyundai). Trong khi đó, ngành thời trang xa xỉ chỉ tăng nhẹ ở mức 5% – 11% trong cùng kỳ. Điều này phản ánh sự chuyển dịch rõ rệt trong hành vi tiêu dùng: người mua vẫn muốn tận hưởng cảm giác “xa xỉ” nhưng với những lựa chọn thông minh và vừa túi hơn và mỹ phẩm high end trở thành lời giải hoàn hảo.
Thực tế cho thấy, “lipstick effect” (tạm gọi là “hiệu ứng son môi”) đang tái hiện mạnh mẽ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, thay vì chi tiền cho những chiếc túi hiệu hàng ngàn đô, người tiêu dùng, đặc biệt là phụ nữ, đang tìm đến mỹ phẩm cao cấp như một hình thức nâng niu bản thân tinh tế hơn, hợp lý hơn.
Xu hướng chăm sóc da này cũng được phản ánh qua những con số. Theo Precedence Research, thị trường mỹ phẩm cao cấp toàn cầu ước đạt 176,79 tỷ USD vào năm 2025 và có thể chạm mốc 307,42 tỷ USD vào năm 2034, với tốc độ tăng trưởng CAGR lên tới 6,34%. Trong khi đó, thời trang xa xỉ có giá trị ước tính cao hơn nhưng chỉ duy trì mức CAGR 3,46% theo nghiên cứu từ MarketResearchFuture.
Đáng chú ý, nhiều nhà mốt lớn đã không bỏ qua làn sóng này. Hermès, Gucci, Prada, Tom Ford… đều đã và đang đầu tư mạnh vào các dòng mỹ phẩm, mở rộng danh mục từ son môi, phấn má đến skincare cao cấp. Đây không đơn thuần là chiến lược mở rộng sản phẩm, mà là cách để họ giữ chân người tiêu dùng bằng những món đồ nhỏ mà giá trị thương hiệu vẫn được bảo toàn.
Rõ ràng, xu hướng mỹ phẩm xa xỉ không chỉ là cuộc chơi của các tín đồ làm đẹp mà còn là chiến lược kinh doanh đầy tính toán của các ông lớn ngành thời trang. Và trong thời đại cá nhân hóa lên ngôi, mỹ phẩm high end đang trở thành món phụ kiện thiết yếu thể hiện gu thẩm mỹ và đẳng cấp của người dùng.
Thị trường mỹ phẩm xa xỉ Việt Nam
Trong bức tranh chung của ngành làm đẹp toàn cầu, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế là một thị trường tiềm năng cho phân khúc mỹ phẩm high end. Dù chưa phát triển mạnh như Hàn Quốc hay Nhật Bản, thị trường nội địa vẫn đang cho thấy những bước tiến đáng chú ý, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng mỹ phẩm xa xỉ đang lan tỏa mạnh mẽ từ Âu sang Á.

Các ông lớn thời trang “đổ bộ” vào thị trường làm đẹp
Không thể phủ nhận, làn sóng thời trang cao cấp đang mở rộng ảnh hưởng sang lĩnh vực mỹ phẩm. Chỉ trong năm 2024, hàng loạt nhà mốt như Balmain, Celine hay Prada đã lần lượt trình làng các dòng mỹ phẩm và nước hoa cao cấp. Đặc biệt, Prada Beauty, dù chỉ mới tròn một năm tuổi, đã chính thức có mặt tại Mỹ từ tháng 1/2024, khẳng định tốc độ phát triển thần tốc của dòng sản phẩm này.
Dự báo năm 2025 sẽ càng sôi động hơn khi Miu Miu, Balenciaga, Marc Jacobs Beauty và Alexander McQueen cùng gia nhập “cuộc đua” mỹ phẩm xa xỉ. Sự cạnh tranh gay gắt đặt ra thách thức: làm thế nào để tạo sự khác biệt trong một thị trường đã quá bão hòa?
Việt Nam: Thị trường mới nổi nhưng tiềm năng lớn
Theo Statista, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam trong năm 2024 đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng 3,4% so với năm trước. Trong đó, phân khúc mỹ phẩm và nước hoa cao cấp được dự đoán sẽ đạt doanh thu 523,41 triệu USD vào năm 2025 và tiếp tục tăng trưởng ổn định 6,51%/năm đến 2029.
Điều đáng chú ý là sự chuyển dịch trong hành vi tiêu dùng. Một khảo sát năm 2024 cho thấy 59% nữ giới và 19% nam giới tại Việt Nam sẵn sàng chi tiêu cho các sản phẩm mỹ phẩm cao cấp và chăm sóc da xa xỉ. Đây không còn là lựa chọn của riêng giới thượng lưu mà đã dần được “bình thường hóa” trong nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, đặc biệt ở tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh.
Tuy nhiên, theo BW Confidential, thị trường mỹ phẩm cao cấp tại Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 116 triệu USD, tương đương 70% quy mô của Indonesia dù dân số Việt Nam chỉ bằng một phần ba. Điều này chứng minh dư địa tăng trưởng còn rất lớn trong thập kỷ tới.
Những yếu tố thúc đẩy thị trường
Có ba yếu tố chính đang góp phần thúc đẩy xu hướng mỹ phẩm cao cấp tại Việt Nam:
- Tầng lớp trung lưu tăng nhanh: Người Việt ngày càng quan tâm đến trải nghiệm sống chất lượng và đầu tư nhiều hơn cho ngoại hình.
- Ảnh hưởng từ quốc tế: Sự phát triển của K-beauty và các beauty blogger đã khiến người tiêu dùng nội địa sành điệu và kén chọn hơn.
- Thương mại điện tử phát triển: Giúp việc tiếp cận sản phẩm mỹ phẩm high end trở nên dễ dàng và minh bạch hơn, kể cả ở các tỉnh thành nhỏ.
Thị trường mỹ phẩm cao cấp Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn tăng tốc. Với nền tảng người tiêu dùng ngày càng có gu, có tiền và có kiến thức, không quá khi nói rằng Việt Nam chính là một trong những điểm đến hứa hẹn trong bản đồ xu hướng mỹ phẩm xa xỉ khu vực Đông Nam Á.
Sự lên ngôi của mỹ phẩm high end không đơn thuần là một xu hướng ngắn hạn, nó phản ánh nhu cầu nâng cấp bản thân của người tiêu dùng hiện đại. Từ chất lượng, thiết kế đến trải nghiệm, các sản phẩm cao cấp đang dần thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về cái đẹp. Trong bối cảnh thị trường Việt Nam ngày càng cởi mở với sự xa xỉ thông minh, mỹ phẩm high end sẽ tiếp tục là mảnh đất màu mỡ cho cả thương hiệu và người dùng.